THƯ THỈNH NGUYỆN “HÒA HIỆP TỨ CHÚNG” - GHPGVNTN

THƯ THỈNH NGUYỆN “HÒA HIỆP TỨ CHÚNG” - GHPGVNTN
Why this petition matters
THƯ THỈNH NGUYỆN “HÒA HIỆP TỨ CHÚNG”
Đồng kính gửi:
-Chư Tôn Giáo Phẩm các Giáo Đoàn Phật Giáo vốn thuộc GHPGVNTN trong ngoài nước
-Quý Thiện Nam Tín Nữ, Quý Đoàn Hội, Đơn Vị thống thuộc hay tín mộ các Giáo Đoàn trên
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính Bạch toàn thể Chư Tôn Đức Giáo Phẩm các Cấp của các Giáo Đoàn
Kính thưa Quý Đoàn Hội Phật Giáo, Quý Thiện Nam Tín Nữ, thuộc mọi thành phần
NHẬN ĐỊNH RẰNG:
(1)-Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN),từ ngày thành lập, đã tuyên xưng trong Lời Mở Đầu của Hiến Chương Giáo Hội : “Công bố lý tưởng hòa bình của giáo lý Đức Phật, hai tông phái Phật Giáo Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của GHPGVNTN. GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.” Trung thành với tuyên xưng đó, Giáo Hội đã thực hiện biết bao thành quả, kỳ tích cho Đạo và Đời, gieo ánh đạo vàng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đến muôn phương nơi có người Việt sinh cư và người bản xứ.
(2)-Từ sau 1975, theo làn sóng đồng bào bỏ nước ra đi, các Chư Tăng Ni và Phật Giáo Đồ người Việt hải ngoại đã dần dà thiết dựng và cũng cố ngôi Già Lam GHPGVNTN ngoài nước, duy trì mạng mạch của Phật Việt, đáp ứng tín tâm và tu học cho tứ chúng.
(3)-Từ khi Đảng và Nhà Nước Cộng Sản cai trị đất nước thì nhân lực, tự viện và việc hoằng dương của GHPGVNTN trong nước bị bức bách, trù dập, phá hoại khiến việc chỉ đạo, đồng nhất hành hoạt cho các cơ chế của Giáo Hội trong ngoài nước ngày càng thêm khó khăn vì cách trở không gian, vì các nội ngoại chướng cứ thêm tăng trưởng.
(4)-Từ trước đến nay, vị thế và vai trò của các đời Tăng Thống luôn được tứ chúng kính ngưỡng và khâm tuân. Đặc biệt, đến thời điểm này, Đức Đương Kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ở trong nước thường trực bị vây hãm, bị khống chế mọi mặt, tình trạng sức khỏe thể lực và tinh thần của Ngài ngày càng suy kiệt. Cộng thêm sự công phá của mọi thế lực, mọi tham vọng vô minh tạo nên một màng lưới chướng duyên trùng trùng, khiến cho những giáo chỉ, văn bản, bút tự có chữ ký và ấn triện của Ngài cũng khó biết rõ thực hư, ngay cả kim ngôn của Ngài khi nhớ khi quên thật khó đoán định.
(5)-Tình trạng mù mịt, bất phân minh như thế đến từ sự chỉ đạo tối cao của Đức Tăng Thống đã tạo ra nhiều rối rắm, bất nhất trong hành hoạt của các cơ chế điều hành hàng ngang lẫn hàng dọc thuộc Giáo Hội trong ngoài nước. Và khi sự nghi ngờ, niềm tin bị lung lạc phát sinh trong hàng ngũ tứ chúng thì hậu quả tất yếu xảy đến là tổng lực Giáo Hội trong ngoài nước ly tán thành các Giáo Đoàn như hiện nay. Cũng nên xem sự ly tán đó không phải là mất đoàn kết mà là chiến lược “khế lý khế cơ”, tránh cho địch bẻ đũa cả bó, để tranh đấu với tà quyền, với mọi thủ đoạn, mưu đồ phá hoại Giáo Hội chung.
(6)-Dù đứng ở vị thế nào, các Giáo Đoàn riêng lẽ với danh xưng giữ nguyên hay có chút sai khác, nhưng nội hàm danh xưng đó vẫn là GHPGVNTN, cho thấy tiêu chí, chủ trương hành hoạt phụng Đạo cứu Đời của “Hiến Chương GHPGVNTN” vẫn là ngọn đuốc sáng dẫn đạo cho tứ chúng.
NAY THIẾT THA THỈNH NGUYỆN:
-Thứ nhất: Ý chỉ “hòa hiệp tứ chúng” luôn luôn là kim chỉ nam trong Phật đạo, không những là đạo nguyện thù thắng mà còn là giới hạnh, giới luật tối thượng cho tứ chúng, kính mong tứ chúng luôn tuân thủ và thực hiện hoàn mãn ý chỉ đó, dù có bao chướng duyên trắc trở cũng đồng lòng vượt qua.
-Thứ hai: Qua nhận định (3), (4) và (5), kính mong tứ chúng các Giáo Đoàn khắp nơi dù đứng trong hay ngoài Giáo Hội gốc, hỉ xả rũ bỏ mọi biên kiến, dị kiến, không màng mọi danh vị đã và đang có, ngừng phê phán, phân tích, giải bày, phản biện, mà hoan hỉ, thân ái bình đẳng ngồi lại với nhau, tìm giải pháp đồng thuận hòa hiệp.
-Thứ ba: Qua nhận định (1) và (6), “Hiến Chương GHPGVNTN” vẫn là tiêu hướng dẫn đạo đúng đắn, cao đẹp; các Giáo Đoàn vẫn trung trinh với tiêu hướng này qua danh xưng và hành hoạt. Vì thế, việc tái thống hợp tứ chúng của các Giáo Đoàn là khả thi, đầy lạc quan. Kính mong Chư Quý Vị trách nhiệm nỗ lực thực hiện ước nguyện “hòa hiệp tứ chúng” càng nhanh, càng bền vững càng tốt, như hơi thở không thể để cho bế tắt, ngừng nghỉ dù chỉ trong phút giây; xin mau mau tìm mọi hoàn cảnh, cơ hội để tạo thuận duyên thực hiện kết tập tổng lực Phật giáo Việt Nam đang ly tán.
-Thứ tư: Nay đang mùa Phật Đản, PL. 2563 (DL. 2019), người người chào mừng Đức Phật ra đời. Để việc giáo hóa và cứu độ được rộng khắp, Đức Phật đã thành lập và phát triển tăng đoàn. Theo giáo huấn của Ngài, hàng đệ tử tứ chúng hậu học mọi quốc độ, mọi thời, nối tiếp nhau, đã không ngừng mở mang và bảo vệ ngôi Già lam, giữ gìn tăng đoàn, tăng thân trong tinh thần lục hòa cao đẹp. Kính mong Phật Đản lúc này là dịp thuận duyên cho tứ chúng các Giáo Đoàn tâm như nhất, kiên cố khâu lại chiếc áo hòa hiệp đang bung chỉ, sờn rách vốn cùng khoát chung.
NGUYỆN CẦU HỒNG ÂN TAM BẢO GIA HỘ CHO NHỮNG NGƯỠNG MONG SAU ĐÂY ĐƯỢC ĐỒNG THUẬN TIẾN HÀNH VÀ THÀNH TỰU VIÊN MÃN:
-a) Được biết trong mùa Phật Đản, các viện tự thường tổ chức Đại Lễ Phật Đản khác ngày nhau. Ngưỡng mong Giáo Đoàn, Đoàn Hội này tâm thành gửi thư cung thỉnh hay mời Chư Tôn Đức Tăng Ni, Thiện Nam Tín Nữ của Giáo Đoàn, Đoàn Hội khác cùng đến quang lâm và tham dự. Cũng ngưỡng mong Chư Quý vị được mời sẽ hoan hỉ, nhiệt thành đồng tình tham dự.
-b) Ngưỡng mong, lúc tham dự chung, Chư Vị Giáo Phẩm Lãnh Đạo các Giáo Đoàn, Quý Vị Đại Diện các Đoàn Hội sẽ cùng niệm hương khai lễ, cùng ban đạo từ, cảm từ, pháp thoại. Nếu Chư Quý Vị đồng lòng, hiệp ý cùng cộng tác tổ chức chung Đại Lễ Phật Đản sẽ là sự kiện không tiền khoáng hậu trong giai đoạn trầm kha lúc này của Giáo Hội.
-c) Ngưỡng mong rằng với cách tổ chức có sự hòa hội đông đủ tứ chúng như vậy không những làm nức lòng, phấn chấn và ngưỡng mộ cho mọi thành phần tứ chúng trực tiếp tham dự mà còn cho cả đông đảo tứ chúng, đồng bào, đồng hương trong mọi cộng đồng người Việt khắp nơi nhờ các phương tiện, kỹ năng truyền thông.
-d) Ngưỡng mong, trong tiến trình Đại Lễ Phật Đản, tuyệt đối không ai tổ chức, hay có dự trù tổ chức thì nên bãi bỏ, bất cứ cuộc họp khoáng đại, nghị hội nào nhằm phân tích, bàn luận về nguyên nhân, hậu quả, tình cảnh phân ly của Giáo Hội. Có như thế, ngày lễ chào mừng Đức Phật ra đời mới tròn vẹn ý nghĩa, được thanh tịnh, thắm đượm hòa ái, hỉ lạc trong đạo tình, đạo vị cho mọi người.
-e) Ngưỡng mong rằng, sau mùa Phật Đản, Chư Tôn Giáo Phẩm Lãnh Đạo các Giáo Đoàn với đạo tình, đạo vị có sẵn, sẽ hòa hiệp ngồi lại với nhau, tìm ra kế sách giải hóa mọi bế tắc, xây dựng cơ cấu điều hành chung để mạng mạch của Phật Việt và của GHPGVNTN được khai thông và tiếp tục vững tiến. Đương Kim Tăng Thống Thích Quảng Độ đã và đang trong hiện tình kham khó mọi mặt, bị giới hạn về tự do sinh hoạt, về thể lực và trí lực, không sao công nhiên lãnh đạo trực tiếp Giáo Hội, vẫn luôn luôn được tứ chúng trong ngoài nước kính ngưỡng, cảm hoài-sâu sắc. Thành tâm đạo đạt những Thỉnh Nguyện và Ngưỡng Mong này lên Chư Tôn Giáo Phẩm Lãnh Đạo các Giáo Đoàn, Chư Tôn Đức Tăng Ni các cấp, đến Quý Vị Đại Diện các Đoàn Hội, Đơn Vị Phật Giáo, đến toàn thể Thiện Nam Tín Nữ của mọi cộng đồng người Việt trong ngoài nước, với nhất tâm nguyện cầu việc “hòa hiệp và thanh tịnh tứ chúng” mau chóng được viên thành, mọi Phật nạn được tiêu trừ.
Tứ Chúng Đồng thỉnh nguyện,
(Xin ký tên bên dưới)
Decision Makers
- Chư Tôn Giáo Phẩm các Giáo Đoàn Phật Giáo vốn thuộc GHPGVNTN trong ngoài nước
- Tứ Chúng Phật Tử